TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU PHÁT HIỆN CÁC LOÀI VI KHUẨN MỚI TRONG ĐẤT TRỒNG NHÂN SÂM (PANAX L.) TRÊN THẾ GIỚI
Author affiliations
DOI:
https://doi.org/10.15625/1811-4989/15/3/13368Keywords:
Đất trồng sâm, định danh, loài mới, phân lập, sâm Ngọc Linh, vi khuẩnAbstract
Với hàm lượng mùn cao (2-10%), độ ẩm tốt (40-60%), pH hơi chua (khoảng 5-6), đất trồng sâm được coi là một trong những môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Quần xã vi khuẩn trong đất trồng sâm rất đa dạng với nhiều loài mới đã được phát hiện và phân loại. Cho đến nay đã có 152 loài vi khuẩn mới được phân lập từ đất trồng sâm được công bố, chủ yếu ở Hàn Quốc (141 loài), tiếp theo là Trung Quốc (09 loài) và Việt Nam (02 loài). Các loài mới phát hiện được phân loại và xếp nhóm vào 5 ngành lớn gồm: Proteobacteria (48 loài), Bacteroidetes (49 loài), Actinobacteria (34 loài), Firmicutes (20 loài) và Armatimonadetes (01 loài). Ngoài tính mới, những loài được phát hiện còn có tiềm năng ứng dụng trong việc hạn chế các bệnh cây do nấm gây ra, tăng hàm lượng hoạt chất trong củ sâm hay sản xuất chất kích thích sinh trưởng thực vật...Trong đó các nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến những loài có đặc tính chuyển hóa các ginsenoside chính (Rb1, Rb2, Rc, Re, Rg1) - chiếm tới 80% tổng số ginsenoside trong củ sâm sang dạng các ginsenoside chiếm lượng nhỏ (Rd, Rg3, Rh2, CK, F2) nhưng lại có hoạt tính dược học cao hơn. Sâm Ngọc Linh hay còn được gọi là Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) – loài đặc hữu của Việt Nam đang được quan tâm phát triển và mở rộng vùng trồng. Tuy nhiên, việc tập trung nghiên cứu sâu về đặc điểm thổ nhưỡng, đặc biệt là hệ vi sinh đất trồng sâm Ngọc Linh chưa có nhiều. Chính vì vậy, bài viết này tổng quan nghiên cứu loài mới trong đất trồng sâm trên thế giới là nguồn tư liệu cần thiết trong việc định hướng nghiên cứu về quần xã vi khuẩn cũng như phát hiện các loài vi khuẩn mới trong đất trồng sâm Ngọc Linh có khả năng ứng dụng và phát triển ở Việt Nam.