HỘI NGHỊ QUỐC TẾ ASIA OCEANIA GEOSCIENCES SOCIETY (AOGS) - AMERICAN GEOPHYSICAL UNION (AGU) 2012 Ở SINGAPORE

Cung Thượng Chí
Author affiliations

Authors

  • Cung Thượng Chí Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

DOI:

https://doi.org/10.15625/0866-7187/34/3/2545

Abstract

Hội Khoa học Địa chất Châu Á - Châu Đại dương (AOGS) phối hợp cùng với Hội Địa vật lý Mỹ tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Sentosa ở Singapore từ ngày 13 đến 17 tháng 8 năm 2012. Hội nghị đã thu hút được nhiều nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới tham dự (khoảng 1800 người, chưa kể các thành viên gia đình đi cùng); trong đó có các nhà khoa học nổi tiếng từ các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau được mời trình bày các tham luận, bài giảng, ví dụ: Kurt Lambeck (Australian National University), Michael McPhaden (National Oceanic and Atmospheric Administration, Chủ tịch Hội Địa vật lý Mỹ), Paul Tapponnier (Earth Observatory of Singapore, Nanyang Technological University), Jack Kaye (Trung tâm Vũ trụ NASA, Mỹ),...

Ban Tổ chức hội nghị gồm 6 thành viên do Giáo sư Harsh Gupta (National Geophysical Research Institute, India) làm Chủ tịch, GS. Kenji Satake (University of Tokyo, Japan) làm Phó chủ tịch, GS. Minhan Dai (Xiamen University, China) làm Tổng thư ký, và ba thành viên khác ở Trường Đai học Tổng hợp Quốc gia Singapore, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban thư ký Hội AOGS.

Hội nghị bao gồm 7 lĩnh vực nghiên cứu chính: Khoa học Khí quyển (Atmospheric Sciences - AS), Địa Sinh học (Biogeosciences - BG), Thủy văn (Hydrological Sciences - HS), Đại dương (Ocean Sciences - OS), Khoa học các Hành tinh (Planetary Sciences - PS), Hệ Mặt trời và Trái đất (Solar & Terrestrial Sciences - ST), Địa chất (Solid Earth Sciences - SE), và nhóm các khoa học liên ngành (Interdisciplinary Working Groups - IWG). Ở mỗi lĩnh vực khoa học lại có các tiểu ban cho từng chủ đề nghiên cứu khác nhau, trong đó lĩnh vực Địa chất (36 tiểu ban) và lĩnh vực Khoa học Khí quyển (33 tiểu ban) có số lượng báo cáo trình bày nhiều nhất.

Trong lĩnh vực Địa chất, ngoài những chủ đề nghiên cứu cơ bản truyền thống như kiến tạo - địa động lực, thạch luận, địa hóa - khoáng sản, địa vật lý,… một trong những chủ đề mang tính thời sự, sôi động nhất là ‘Thiên tai địa chất’. Chủ đề này có số lượng tiểu ban và báo cáo trình bày nhiều nhất; bao gồm động đất và các vấn đề liên quan tới động đất (11 tiểu ban với khoảng 60 báo cáo và poster), hoạt động núi lửa (3 tiểu ban với 45 báo cáo và poster), và trượt lở đất (1 tiểu ban với 11 báo cáo và poster).

Ngoài ra, có đông đảo các công ty kinh doanh thiết bị khoa học, các nhà xuất bản sách, tạp chí khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học ở nhiều nước tham dự để quảng bá sản phẩm, đăng tin tuyển dụng,…

Việt Nam, tuy là một nước Đông Nam Á đang phát triển, có nền kinh tế khiêm tốn và một nền khoa học đang phấn đấu ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, cũng đã có 26 nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau (Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Cục Khí tượng Thủy văn, Học viện Tài nguyên nước,...) gửi bài tham gia hội nghị  trong các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như SE (11 báo cáo), HS (07 báo cáo), OS (02 báo cáo), AS (06 báo cáo) và BG (03 báo cáo). Trong đó, có 6 nhà khoa học ở Viện Địa chất - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (03) và Trường Đại học Mỏ - Địa chất (03) trực tiếp trình bày báo cáo ở các tiểu ban khác nhau của lĩnh vực Địa chất. Đây là một tín hiệu đáng khích lệ cho nền khoa học Địa chất Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới, đặc biệt là đã có những nhà khoa học trẻ, có năng lực, tự tin tham gia trình bày các kết quả nghiên cứu của mình với cộng đồng khoa học quốc tế. Cần phải có những chủ trương, chính sách khuyến khích ngày càng nhiều các nhà khoa học Việt Nam (kể cả các sinh viên) tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin và là cơ hội để tìm kiếm hợp tác nghiên cứu với các đối tác ở các nước tiên tiến.

Hội nghị AOGS - 2013 sẽ được tổ chức tại Thành phố Brisbane - Úc và năm tiếp theo sẽ được tổ chức tại Sapporo - Nhật Bản. Hy vọng là sẽ có nhiều nhà khoa học Việt Nam hơn tham dự các Hội nghị này và trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có đủ điều kiện đăng cai tổ chức Hội nghị AOGS; đây là cơ hội rất tốt để quảng bá về đất nước, con người và khoa học Việt Nam và quan trọng hơn, là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam khẳng định mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Địa chất hiện đại.

Downloads

Download data is not yet available.

Downloads

Published

02-11-2012

How to Cite

Chí, C. T. (2012). HỘI NGHỊ QUỐC TẾ ASIA OCEANIA GEOSCIENCES SOCIETY (AOGS) - AMERICAN GEOPHYSICAL UNION (AGU) 2012 Ở SINGAPORE. Vietnam Journal of Earth Sciences, 34(3), 287–288. https://doi.org/10.15625/0866-7187/34/3/2545

Issue

Section

Articles